Các bạn học sinh, sinh viên thân mến!
Sau khi cầm chắc tấm vé visa sang Pháp, các bạn đừng quên những việc bắt buộc cần làm khi đặt chân tới Pháp nhé, đây là những thủ tục hành chính quan trọng mà trong tháng đầu tiên bạn cần hoàn thành.
1. Đóng phí CVEC (Phí đóng góp xây dựng đời sống và môi trường học tập của sinh viên)
Các bạn sinh viên nhập học tại một cơ sở giáo dục của Pháp sẽ phải đóng một khoản phí đóng góp xây dựng môi trường học tập và đời sống sinh viên (CVEC). Phí phải đóng là 100€ và bạn có thể đóng trực tuyến hoặc trực tiếp.
Việc áp dụng trả phí Đóng góp xây dựng đời sống và môi trường học tập của sinh viên (CVEC) đã được quyết định vào tháng 3 năm 2018 dựa trên Luật Định hướng và Phát triển sinh viên. Khoản phí này cho phép các cơ sở giáo dục đón tiếp sinh viên tốt hơn, cung cấp cho sinh viên nhiều hỗ trợ hơn về mặt xã hội, y tế, văn hoá hay thể thao song song với việc học tập.
Phí CVEC sẽ được sử dụng để đầu tư cho các hoạt động mà sinh viên sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất. Các hoạt động đó sẽ diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau: chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ xã hội, hỗ trợ luyện tập thể thao, các hoạt động tiếp cận với nghệ thuật, với văn hoá, cải thiện việc đón tiếp sinh viên.
Phí CVEC có thể trả trực tuyến hoặc trực tiếp bằng tiền mặt
Trực tuyến:
Đăng kí tài khoản trên trang messervices.etudiant.gouv.fr
Kết nối với trang cvec.etudiant.gouv.fr
Khai báo địa chỉ thành phố nơi bạn học và thanh toán phí CVEC qua thẻ ngân hàng
Tải về máy chứng nhận thanh toán của bạn và giữ cẩn thận để xuất trình lúc đăng kí nhập học.
Trả bằng tiền mặt tại bưu điện:
Đăng kí tài khoản trên trang messervices.etudiant.gouv.fr
Kết nối với trang cvec.etudiant.gouv.fr
Tải về máy mẫu thông báo trả phí CVEC
Trả phí bằng tiền mặt tại một bưu điện
Chờ khoảng 2 ngày để nhận một mail thông báo kèm với một chứng nhận đã thanh toán để tải về và xuất trình lúc đăng kí nhập học.
2. Ghi danh vào trường (làm thủ tục nhập học hành chính)
Sau khi đã đỗ vào trường, bạn sẽ cần hoàn thành thủ tục ghi danh trước khi bắt đầu năm học. Bạn hãy liên hệ với bộ phận hợp tác quốc tế của trường tiếp nhận bạn, sau đó hãy tới gặp bộ phận phụ trách nhập học để hoàn thành ghi danh vào trường, nhận thẻ sinh viên.
Ở đại học tổng hợp, việc hoàn thành ghi danh bao gồm 2 mảng là thủ tục hành chính và đăng kí học.
Thủ tục hành chính là việc hoàn thành các hồ sơ và giấy tờ;
Đăng kí học là việc chọn chương trình học và các lựa chọn khác (các môn tự chọn, thể thao, v.v.).
Sau đó, trường sẽ cấp cho bạn một loại giấy chứng nhận học tập và thẻ sinh viên để chứng thực tư cách pháp lí của bạn là sinh viên. Các giấy tờ này sẽ được trao tận tay sau khi bạn đã thanh toán xong phí đăng kí nhập học.
3. Mở tài khoản ngân hàng
Một trong những thứ đầu tiên bạn cần làm khi đến Pháp là mở một tài khoản ngân hàng. Bạn cần phải qua bước này trước rồi mới có thể làm các thủ tục quan trọng tiếp theo như đăng kí mạng thuê bao điện thoại và internet hay xin hỗ trợ thuê nhà, v.v…
Sở hữu tài khoản ngân hàng là một quyền được công nhận bởi luật pháp tại Pháp. Một sinh viên đang cư trú tại Pháp có thể mở tài khoản ở bất kì ngân hàng nào tại đây. Các hãng ngân hàng khác nhau đều có chi nhánh đại diện ở hầu hết các thành phố; bạn chỉ việc tìm đến một chi nhánh và đặt hẹn với một nhân viên tư vấn.
Khi mở tài khoản ngân hàng, bạn sẽ nhận được một RIB (Thông tin tài khoản ngân hàng). Thông tin này cần thiết cho tất cả những lần thanh toán và rút tiền bên ngoài từ tài khoản ngân hàng (rót tiền lương, cho phép trích tiền từ hoá đơn của bạn…).
* Để mở tài khoản, bạn cần có:
Đăng kí ghi danh cấp bởi trường
Chứng minh nơi ở (chứng nhận CROUS, hoá đơn EDF, chứng nhận chỗ ở…)
Hộ chiếu (thẻ căn cước)
Nếu đã có 3 loại giấy tờ này, bạn chỉ cần chọn ngân hàng nữa là xong! Tất cả các ngân hàng đều có những mức phí ưu đãi cho sinh viên.
Làm gì trong trường hợp làm mất/ bị trộm mất thẻ ngân hàng?
Hãy chặn thẻ ngân hàng bằng cách gọi ngay cho ngân hàng của bạn. Luôn luôn giữ số của ngân hàng trong ví hoặc trong điện thoại di động của bạn!
Đăng ký mạng thuê bao điện thoại và/ hoặc Internet
Các mạng thuê bao điện thoại và internet chủ yếu tại Pháp là: Orange, SFR, Bouygues Télécom, Free, v.v…
Các công ty này đôi khi còn có cả các công ty con cung cấp mạng với mức giá rẻ hơn (nhưng dịch vụ khách hàng hạn chế hơn) như Sosh (Orange), B&YOU (Bouygues), RED (SFR), v.v…
Có 2 cách thức thanh toán: gói trả hàng tháng (có hoặc không cam kết) và thẻ trả trước. Thường giá sẽ rẻ hơn nếu bạn trả theo gói hàng tháng.
Bạn có thể đăng kí gói di động hoặc gói gộp cả thuê bao di động và mạng internet. Gói di động thường giá từ 2€ đến 20€ còn gói di động +internet có giá từ 15€ đến 40€.
Để được nhận thẻ sim và thẻ trả trước, bạn cần phải xuất trình hộ chiếu; để đăng kí gói theo tháng, cần phải có hộ chiếu và RIB (thông tin tài khoản ngân hàng).
5. Các thủ tục bảo hiểm
Luật pháp tại Pháp có một số quy định nhất định về thủ tục bảo hiểm. Ví dụ như việc tất cả các sinh viên (bất kể là sinh viên Pháp hay sinh viên quốc tế) đều phải đăng kí bảo hiểm xã hội. Ngoài ra thì nhà ở – dù là loại hình nhà ở nào – cũng phải được bảo hiểm. Các thủ tục bảo hiểm này sẽ được tiến hành với các công ty bảo hiểm tư nhân.
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự
Bảo hiểm này chịu trách nhiệm cho những hư tổn vật chất hay thương tích cơ thể gây ra bởi một bên thứ 3 mà có thể là sự sơ suất, thiếu cẩn trọng, con trẻ hay người phụ trách, thú nuôi hay bất cứ thứ gì dưới trách nhiệm của bạn. Nếu không có bảo hiểm này, bạn sẽ phải tự mình chịu bồi thường cho nạn nhân.
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự cũng nằm trong những loại thủ tục bảo hiểm cư trú (là bảo hiểm bắt buộc). Hãy nhớ kiểm tra kĩ khi đăng kí bảo hiểm.
Bảo hiểm cư trú, rủi ro thuê nhà
Ở Pháp, nhà ở cũng bắt buộc phải được bảo hiểm: phòng trường hợp lũ lụt hay hoả hoạn. Người thuê nhà sẽ phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại mà họ đã gây ra trong thời gian thuê, vậy nên chính người thuê nhà sẽ phải đóng bảo hiểm (chứ không phải chủ nhà cho thuê). Bảo hiểm sẽ chịu chi phí sửa chữa lại những thiệt hại đã gây ra.
Tuy nhiên người ta cũng khuyến khích đăng kí thêm một loại bảo hiểm bổ sung là bảo hiểm chỗ ở toàn diện, trong đó cung cấp các lợi ích tương tự như bảo hiểm rủi ro thuê nhà nhưng thêm cả chi phí đền bù tài sản của bạn trong trường hợp nhà xuống cấp hoặc trộm cắp.
Bảo hiểm phương tiện giao thông
Ở Pháp, bạn bắt buộc phải mua bảo hiểm phương tiện giao thông đối với bất kỳ phương tiện nào được lưu hành. Bảo hiểm này không chỉ hỗ trợ tài chính trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông đường bộ mà còn cho cả các thiệt hại xảy ra ngoài giao thông.
6. Làm thủ tục xác nhận visa VLS-TS (Visa longtemps séjour- titre de séjour) thẻ cư trú trực tuyến
Khi đến Pháp, bạn cần phải xác nhận Visa sinh viên dài hạn có giá trị như thẻ cư trú (VLS-TS). Thủ tục này được thực hiện trực tuyến từ ngày 18/02/2019. Bạn có ba tháng để thực hiện các thủ tục cần thiết tại trang web: https://administration-etrangers-en-france.interieur.gouv.fr
Những yêu cầu để xác nhận visa VLS-TS?
Bạn sẽ cần:
Có một địa chỉ thư điện tử (mail) đang hoạt động,
Thông tin có trên visa của bạn,
Thông báo ngày tới Pháp,
Địa chỉ chỗ ở của bạn tại Pháp,
Thẻ ngân hàng để thanh toán trực tuyến tiền thuế cấp thẻ lưu trú
Trong trường hợp bạn không có thẻ ngân hàng?
Đừng lo lắng! Bạn có thể mua tem điện tử trong một cửa hàng bán thuốc lá (tabac), trên một thiết bị chuyên dụng, và thanh toán bằng tiền mặt.
Những bước xác nhận trực tuyến
Bạn hãy kết nối vào trang: https://administration-etrangers-en-france.interieur.gouv.fr;
Điền các thông tin trên visa của bạn: số visa, ngày bắt đầu và hết hạn, ngày cấp, loại hình lưu trú; Điền các thông tin bổ sung: tình trạng hôn nhân, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử;
Cung cấp ngày bạn đến Pháp và địa chỉ của bạn tại Pháp;
Thanh toán tiền thuế cấp thẻ lưu trú là 60 euros
Tại sao việc xác nhận VLS-TS là cần thiết?
Việc xác nhận visa VLS-TS là bắt buộc trong vòng 3 tháng từ ngày bạn đặt chân đến nước Pháp. Việc này cho phép bạn:
Ở lãnh thổ Pháp một cách hợp pháp trong suốt thời gian visa của bạn có hiệu lực.
Tự do đi lại ngoài lãnh thổ Pháp và rời khu vực Schengen không cần xác nhận trước.
Lưu ý:
Trong vòng 3 tháng sau khi đến Pháp, bạn có thể tự do đi lại ngoài lãnh thổ Pháp và rời khu vực Schengen mà không cần xác nhận visa VLS-TS. Sau thời gian đó, nếu bạn vẫn chưa xác nhận visa VLS-TS, bạn phải xin một visa mới để quay trở lại Pháp.
7. Đăng ký bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm xã hội trả tiền cho một phần chi phí chăm sóc y tế của bạn (khám bác sĩ, mua thuốc, v.v…). Bạn bắt buộc phải đăng ký bảo hiểm xã hội.
Đầu tiên, bạn cần phải:
Xác nhận visa với OFII
Trả phí CVEC 90€ cho CROUS ở trường bạn học
Ghi danh vào trường Đại học của bạn (làm thủ tục hành chính)
Ngay sau đó, bạn phải đăng ký vào chế độ chung của bảo hiểm xã hội Pháp. Đăng ký miễn phí trực tuyến trên trang web của bảo hiểm y tế cho sinh viên quốc tế: www.etudiant-etranger.ameli.fr
Khi hoàn tất việc đăng ký, bạn có thể yêu cầu xin thẻ bảo hiểm (carte vitale). Bạn sẽ xuất trình thẻ này để khỏi phải trả trước chi phí khi đi khám bác sĩ hay đi mua thuốc.
* Sử dụng bảo hiểm ở Pháp như thế nào và có lợi ích gì?
Đi khám bác sĩ
Ở Pháp có 2 loại bác sĩ: bác sĩ đa khoa và bác sĩ chuyên khoa. Nếu bạn bị bệnh, bạn phải đến khám một bác sĩ đa khoa và sau đó nếu cần thiết, họ sẽ giới thiệu cho bạn một bác sĩ chuyên khoa.
Trong một số trường hợp, bạn có thể trực tiếp đến khám bác sĩ chuyên khoa mà không cần có giới thiệu của bác sĩ đa khoa. Các bác sĩ chuyên khoa mà bạn có thể trực tiếp đi khám, không cần phải thông qua bác sĩ đa khoa bao gồm: bác sĩ phụ khoa, bác sĩ nhãn khoa, bác sĩ tâm lý hoặc bác sĩ tâm lý chuyên về hệ thần kinh, nha sĩ, các bác sĩ mà bạn đã có lịch hẹn để theo dõi và kiểm tra, các bác sĩ cần gặp trong trường hợp khẩn cấp.
Đi khám bác sĩ đa khoa thường sẽ phải trả 25€ (médecin conventionné secteur 1 – bác sĩ theo diện 1), đôi khi còn đắt hơn nữa (médecin conventionné secteur 2 – bác sĩ theo diện 2 khám theo yêu cầu). Số tiền khám 25€ sẽ được hoàn trả phần lớn bởi bảo hiểm xã hội.
Tiền khám bác sĩ chuyên khoa sẽ dao động từ 25€ đến 150€ tuỳ loại bệnh. Một phần của phí khám bệnh sẽ được hoàn trả bởi bảo hiểm xã hội. Nếu bạn có thêm bảo hiểm bổ sung, bạn sẽ có thể được hoàn trả toàn bộ chi phí.
Bác sĩ điều trị
Ở Pháp, bạn phải chọn một bác sĩ điều trị và thông báo về bác sĩ này cho quỹ bảo hiểm y tế của bạn. Bác sĩ điều trị sẽ đảm bảo theo dõi bệnh lý cho bạn: đây là bác sĩ tư vấn riêng của bạn.
Bạn có thể thông báo trực tuyến về bác sĩ điều trị của mình. Để hoàn tất các thủ tục y tế một cách dễ dàng, bạn nên tạo tài khoản trên trang web ameli.fr. Bạn và bác sĩ của mình cũng có thể cùng điền và ký vào một mẫu đơn.
Làm thế nào để tìm bác sĩ?
Trang web doctolib.fr có thể giúp bạn đặt hẹn trực tuyến với các bác sĩ ở địa phương nơi bạn sinh sống. Bạn còn có thể biết được bác sĩ bạn chọn có thể nói được những ngôn ngữ nào.
Bạn cũng có thể tìm bác sĩ trên danh bạ của trang pages jaunes, bằng cách nhập vào ô tìm kiếm “médecin généraliste” và nhập mã bưu điện hành chính của thành phố nơi bạn ở. Hoặc nếu không, trường bạn cũng có thể đề xuất cho bạn một danh sách các bác sĩ.
Đơn thuốc
Sau khi khám bệnh xong, trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cho bạn. Trên đơn này sẽ bao gồm các loại thuốc mà bạn phải mua ở hiệu thuốc hay bao gồm những thủ tục kiểm tra sức khoẻ mà bạn cần phải thực hiện. Bảo hiểm xã hội sinh viên sẽ chi trả một phần những chi phí trên. Tuy nhiên bạn có thể được hoàn trả toàn bộ chi phí (hoặc gần như toàn bộ) nếu đăng ký bảo hiểm bổ sung.
Lưu ý: Nếu bạn vẫn chưa có thẻ bảo hiểm (carte vitale), đừng quên yêu cầu bác sĩ điền vào fiche de soin (hoá đơn y tế) cho bạn sau khi khám. Sau đó, hãy gửi đến trung tâm bảo hiểm xã hội của bạn để được hoàn tiền!
Đi mua thuốc
Thông thường, tất cả các hiệu thuốc đều mở từ 9h – 10 sáng cho đến 19h tối, trừ thứ 7 (đôi khi chỉ mở cửa buổi sáng), chủ nhật và các ngày lễ.
Vào chủ nhật và các ngày lễ, có ít nhất một hiệu thuốc còn mở ở mỗi thành phố: đó là các pharmacie de garde (những hiệu thuốc mở suốt đêm, chủ nhật và ngày lễ, phục vụ những trường hợp khẩn cấp).
Ở Pháp, hầu hết bạn chỉ được mua các loại thuốc được kê trong toa. Do vậy, cần đi khám bác sĩ để được mua những loại thuốc cần thiết. Những thuốc bạn được phép mua mà không cần bác sĩ kê đơn thường để trị những triệu chứng phổ biến như: đau đầu, cảm cúm, sốt, v.v…
Làm gì trong trường hợp cấp cứu?
Đến phòng cấp cứu:
Kể cả khi bạn không được bảo hiểm, bạn không có tiền trong người hay thẻ căn cước, nếu bạn đang trong tình trạng có vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ, đừng chần chừ mà hãy đến ngay các phòng cấp cứu!
Các đường dây nóng cấp cứu ở Pháp
Số điện thoại cấp cứu châu Âu: 112
Cảnh sát: 17
Cứu hoả: 18
Cấp cứu y tế: 0 825 812 822
Các trung tâm kiểm soát chất độc: 3624
Trên đây là tất cả các thông tin cần thiết hướng dẫn bạn hoàn thiện các thủ tục sau khi đến Pháp. Nếu bạn còn điều gì băn khoăn về du học Pháp, vui lòng liên hệ với đội ngũ HK Study Abroad bạn nhé!
CHÚC BẠN VI VU DU HỌC PHÁP VỚI THẬT NHIỀU TRẢI NGHIỆM BỔ ÍCH!